HÔN NHÂN GIA ĐÌNH – Về việc cấp dưỡng nuôi con và vi phạm về quan hệ hôn nhân

Thân chào Luật sư Globalink,

Tôi 36 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh -Tp. HCM. Tôi kết hôn năm 2005 và hiện nay chúng tôi có 2 người con (con trai 9 tuổi, con gái 7 tuổi). Khoảng 01 năm trở lại đây, tôi phát hiện chồng có nhiều biểu hiện lạ như hay về khuya, có nhiều cuộc điện thoại gọi tới mà khi hỏi anh đều lấp liếm hoặc dấu diếm. Thỉnh thoảng chồng tôi hay đi công tác ngắn hạn đột xuất, tiền lương đưa về cho vợ ít hơn. Tôi nghi ngờ và theo dõi và phát hiện anh đang chung sống với một cô gái trẻ ở quận Gò Vấp tại căn hộ cao cấp do Chồng tôi thuê. Ngoài ra tôi được biết cô gái kia đang mang thai. Tôi và chồng tôi đã nói chuyện với nhau và quyết định ly hôn để hai bên không còn đau khổ về việc này và để chồng tôi sống với người phụ nữ đó.

Nay tôi muốn hỏi về các việc như sau:

  1. Pháp luật quy định về nghiã vụ của cha mẹ và việc cấp dưỡng nuôi con?
  2. Vi phạm về quan hệ hôn nhân của chồng tôi bị xử lý thế nào?

____________________________________________________________________________________________________________________________

Thân chào chị, lời đầu xin chia buồn cùng chị và những khó khăn trong quan hệ hôn nhân gia đình.

Luật sư Globalink xin trả lời như sau:

  1. Về quy định pháp luật về nghiã vụ của cha mẹ và việc cấp dưỡng nuôi con

Theo quy định tại Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGD 2014) thì cha mẹ có nghĩa vụ và quyền: 

“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

  1. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Bên cạnh đó, Luật HNGD 2014 còn quy định cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (khoản 1 Điều 71) và cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập (khoản 1 Điều 72).

Trong trường hợp, nếu cha mẹ ly hôn thì căn cứ vào Điều 82 – LHNGD 2014 người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Về nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên nếu không sống chung với con  – Ngoài ra Điều 110 – Luật HNGD 2014 thì Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

  1. Vi phạm về quan hệ hôn nhân của chồng tôi bị xử lý thế nào?

Theo khoản 1 Điều 19 Luật HNGD 2014 thì vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. 

 Mặt khác, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“2. Cấm các hành vi sau đây:

………
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; 

  1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luậtCơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”. 

Trong trường hợp này, chồng chị có hành vi chung sống với người phụ nữ khác khi chưa ly hôn. Như vậy, anh ấy và người phụ nữ đó đã vi phạm quy định của Pháp luật hôn nhân và gia đình về chế độ một vợ, một chồng. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể như sau: 

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

…………………
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.

Về thẩm quyền xử phạt, theo điểm b khoản 1 Điều 66 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường có quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính này.

Ngoài ra, hành vi vi phạm trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015. Chị có thể gửi đơn tố cáo vi phạm hành chính đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc làm đơn tố cáo tội phạm (trong trường hợp thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm) kèm theo các chứng cứ chứng minh và gửi tới Công an nhân dân cấp quận/huyện.

Tương tự như trường hợp của chị, Các Luật sư Globalink đã tư vấn và soạn thảo các văn bản cho khách hàng gửi đến các cơ quan chức năng để xử lý hành vi của người chồng để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ.

Trên đây là toàn bộ phần trả lời của đội ngũ Luật sư Globalink gửi đến chị. Chúng tôi hy vọng đã phần nào giúp cho chị giải quyết được vấn đề trong cuộc sống;Trong trường hợp chị hoặc độc giả khác vẫn còn thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ đội ngũ luật sư Globalink qua thông tin:

Số điện thoại Hotline: 0908.173988  – THS LS Vũ Quyết Tiến

Email: Tienvu.globalinklaw@gmail.com

Hoặc đến trụ sở Công ty Luật Kết Nối Toàn Cầu – Globalink: 67/4 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

để được chúng tôi tư vấn và hướng dẫn cụ thể và trực tiếp các vụ việc hôn nhân gia đình.