Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng

       Việt Nam là quốc gia thuộc hệ thống pháp luật dân sự nên hoạt động xét xử chủ yếu dựa trên quy định của luật thành văn. Tuy vậy, không phải lúc nào các nhà lập pháp cũng kịp thời ban hành quy định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh. Trong tố tụng dân sự, vấn đề giải quyết vụ việc khi chưa có điều luật áp dụng là một chế định lần đầu tiên được quy định trong pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Tại khoản 2, Điều 14, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng và được quy định cụ thể tại Điều 5 về áp dụng tập quán và Điều 6 về áp dụng tương tự pháp luật. Vậy pháp luật quy định như thế nào về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng?

       Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có rất nhiều những quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng ghi nhận các giá trị phổ quát về quyền con người được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, trong đó có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

 ____________________________________

  1. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

      Hiến pháp năm 2013 đã quy định ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

     Tại Điều 2, Bộ luật Dân sự 2015 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, theo đó, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

     Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã dự liệu quan hệ dân sự phát sinh chưa có điều luật điều chỉnh: Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự; Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015 thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự 2015, án lệ, lẽ công bằng.

     Đồng thời, để bảo vệ, bảo đảm quyền dân sự, Bộ luật dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có thể tự bảo vệ quyền dân sự hoặc bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.” (khoản 2 Điều 14).

 ____________________________________

  1. Quy định pháp luật về giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng.

Để bảo đảm sự tương thích với quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự 2015, khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định: 

“2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

 Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định”.

Đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định thẩm quyền của Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại Mục 3 Chương III gồm 3 điều (từ Điều 43 đến Điều 45). Theo đó:

– Thẩm quyền của Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 35 đến Điều 41 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

– Trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng theo thủ tục chung.

– Khi giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng Tòa án căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết.

 ____________________________________

  1. Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.

Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được quy định tại Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Việc áp dụng các căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thực hiện theo thứ tự sau:

(1) Áp dụng tập quán;

(2) Áp dụng tương tự pháp luật;

(3) Áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.

 ____________________________________

 3.1. Áp dụng tập quán.

Theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 thì một quy tắc xử sự được xác định là tập quán khi có đủ các tiêu chí sau:

 (1) Có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể;

 (2) Được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài;

 (3) Được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán. Tập quán được áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự khi có đủ các điều kiện sau:

(1) Các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định về nội dung giải quyết vụ việc dân sự đó;

(2) Tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015

 ____________________________________

3.2. Áp dụng tương tự pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Khoản 2 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chỉ rõ khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

 ____________________________________

3.3. Áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.

Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật.

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự 2015. Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 đã xác định 5 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

3.3.1. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể là:

(1) Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản;

(2) Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng;

(3) Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực;

(4) Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;

(5) Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

3.3.2. Án lệ.

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự.

3.3.3. Lẽ công bằng.

Việc xác định lẽ công bằng được quy định tại khoản 3 Điều 45: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”. Đối với việc giải quyết vụ việc dân sự theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng, cần lưu ý, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không xác định thứ tự ưu tiên áp dụng.

 ____________________________________

Trên đây là bài viết của đội ngũ chuyên viên pháp lý Globalink gửi đến quý độc giả.

Globalink hi vọng đã phần nào giúp cho quý đọc giả giải quyết được vấn đề ban đầu.

Trong trường hợp anh/chị hoặc độc giả khác vẫn còn nhiều thắc mắc khác, xin vui lòng liên hệ đội ngũ luật sư Globalink qua thông tin:

Số điện thoại Hotline: 0908.173988 – Th.S LS. Vũ Quyết Tiến