– Chào luật sư, hiện nay trên thị trường có rất nhiều cửa hàng, garage bán các loại còi độ cho xe ô tô, xe tải với các tiếng như tiếng khỉ, tiếng chó sủa, thậm chí là tiếng xe cảnh sát và xe cứu thương, những tiếng còi này rất lớn và gây giật mình cho những người đi đường khác, gây hậu quả tai nạn rất cao. Vậy luật sư có thể cho em biết quy định pháp luật về tiếng còi xe như thế nào là đạt chuẩn, không vi phạm pháp luật? Và những cơ sở kinh doanh còi độ cũng như những người lắp còi độ vào xe của mình thì có đối mặt với vấn đề vi phạm pháp luật ko, và họ có thể sẽ phải chịu những chế tài như thế nào ạ?
Đội ngũ chuyên viên pháp chế và ThS. Luật Sư Vũ Quyết Tiến – Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh – Giám Đốc Công ty Luật TNHH Kết Nối Toàn Cầu – Globalink Law Firm xin giải thích và ý kiến như sau:
Hiện nay thao Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT được ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/201 của Bộ Tài Nguyên Môi Trường có quy định giới hạn tối đa các mức tiếng ồn tại các khu vực được phân chia theo
(i) Khu vực Thông thường : Gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính. Là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác.
Đối với Khu vực thông thường thì giới hạn tối đa cho phép tiếng ồn:
– Từ 6h – 21 h giới hạn tối đa là 70dBA
– Từ 21h đến 6h : 55 dBA
(ii) Khu vực đặc biệt Là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác.
Đối với Khu vực đặc biệt thì giới hạn tối đa cho phép tiếng ồn:
– Từ 6h – 21 h giới hạn tối đa là 55dBA
– Từ 21h đến 6h : 45 dBA
Đối với quy định này thì Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc gây ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc phải tuân thủ quy định tại Quy chuẩn này; Đồng thời các Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chuẩn này.
Căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ – Số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008 tại Khoản 12 và Khoản 13 Điều 8 có quy định hành vi nghiêm cấm:
“12. Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.”
13. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.”
Hoặc tại Khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định:
“2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”
Như vậy việc lặp đặt các loại còi xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới hoặc sử dụng các thiết bị âm thanh gây mất an toàn giao thông , trật tự công cộng là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm. Ngoài ra pháp luật còn quy định khung thời gian nghiêm cấm việc bấm còi từ 22h đến 5h
– Các cơ sở buôn bán mặt hàng còi độ xe có thể sẽ đối mặt với các vấn đề pháp lý như việc xuất trình nguồn gốc xuất xứ mặt hàng này, hoá đơn chứng từ về việc nhập khẩu mặt hàng này theo quy định pháp luật. Nếu đối chiếu về quy chuẩn kỹ thuật và các hành vi bị nghiêm cấm đối với các loại còi xe cùng với việc nhập khẩu chính ngạch các mặt hàng còi xe đòi hỏi nhà nhập khẩu phải cung cấp cho các cơ quan nhà nước các loại tài liệu đủ kiều kiện nhập khẩu mặt hàng này theo quy định pháp luật; Từ đó chúng ta cũng có thể hiểu rằng các cửa hàng buôn bán các mặt hàng này thường không xuất trình được các tài liệu chứng minh việc nhập khẩu đúng quy định pháp luật.
– Các cửa hàng sẽ đối mặt với việc vi phạm về quy định về thương mại buôn bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc; Ngoài ra còn đối mặt với nghĩa vụ thuế đối với các cơ quan thuế về việc kê khai thuế đối với cửa hàng. Tuỳ tính chất mức độ và hành vi thì trách nhiệm của Chủ cơ sở có thể là trách nhiệm về hành chính và cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự khi các cơ quan nhà nước có căn cứ xác định có dấu hiệu hình sự về tội phạm buôn lậu hoặc các loại tội phạm khác
– Hiện nay có các quy định pháp về xử phạt hành chính về tiếng ồn như:
(i) Nghị định 45/2022/NĐ-CP , ngày 7/7/2022 QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(ii) Nghị định 100/2019/NĐ-CP , ngày 30/12/2019 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT
Đơn cử như mức xử phạt hành chính tại điểm d – Khoản 1 – Điều 17 – NĐ 100 quy định :
“ Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;
b) Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển;
c) Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng;
d) Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe;
đ) Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;
e) Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;
g) Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;
h) Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.
2. Phạt tiền từ300.000 đồng đến 400.000 đồngđối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng;
b) Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồngđối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;
b) Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.
4. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này bị tịch thu còi;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này bị tịch thu Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.”
__________________________
Trong trường hợp anh/chị độc giả vẫn còn nhiều thắc mắc khác, xin vui lòng liên hệ đội ngũ Team Globalink qua thông tin:
Số điện thoại Hotline: 0908.173988 – THS LS Vũ Quyết Tiến
Hoặc đến trụ sở Công ty: 67/4 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng giao dịch: 656/47 Cách mạng tháng 8, Phường 11, Quận 3, TP.HCM
Để được chúng tôi tư vấn và hướng dẫn cụ thể hơn