Quy định về quyền và nghĩa vụ của Chủ đầu tư

 

  1. Chủ đầu tư (CDT) gồm chủ thể nào?

Căn cứ theo khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về khái niệm chủ đầu tư xây dựng như sau:

“9. Chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.”

Như vậy, Chủ đầu tư xây dựng có thể là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có vốn hay vay vốn được bàn giao để trực tiếp quản lý và sử dụng nhằm mục đích thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra căn cứ tại Điều 7 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 còn quy định về việc xác định chủ đầu tư; trong đó đối với dự án có vốn đầu tư công thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư công:

“1. Chủ đầu tư được xác định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi phê duyệt dự án hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Căn cứ nguồn vốn sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng, việc xác định chủ đầu tư được quy định như sau:

a) Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc xác định chủ đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và pháp luật về đầu tư công;

b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng;

c) Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP), chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án PPP được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

d) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này (sau đây gọi là dự án sử dụng vốn khác) mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân bỏ vốn để đầu tư xây dựng.

3. Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư. Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư.

4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật, người quyết định đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

__________________________

  1. Quyền và nghĩa vụ trong việc lập và quản lý dự án đầu tư:

Căn cứ theo Điều 68 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc lập và quản lý dự án đầu tư, cụ thể như sau:

“1. Chủ đầu tư có các quyền sau:

a) Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;

c) Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;

d) Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:

a) Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;

b) Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;

c) Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

d) Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;

đ) Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Điều 66 của Luật này;

e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

g) Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;

h) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, quyền của chủ đầu tư là lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện; lựa chọn, ký kết hợp đồng; tổ chức lập và quản lý dự án, quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý; các quyền khác theo quy định pháp luật.

Còn Nghĩa vụ của chủ đầu tư là xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập vụ dự án; cung cấp thông tin, tài liệu trong trường hợp cần thiết; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự và lưu trữ hồ sơ; lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực; chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của thông tin và tài liệu khi được cung cấp; lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm; kiểm tra, giám sát và báo cáo định kỳ việc thực hiện dự án; thu hồi vốn, trả nợ vay vốn đối với dự án có yêu cầu;

Ngoài ra Căn cứ Điều 66 quy định về nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định:

“1. Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện hoặc giao Ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án, tổng thầu (nếu có) thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nội dung quản lý dự án quy định tại khoản 1 Điều này.”

__________________________

  1. Quyền và Nghĩa vụ  chủ đầu tư trong khảo sát xây dựng

Căn cứ theo Điều 76 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong khảo sát xây dựng như sau:

“1. Chủ đầu tư có các quyền sau:

a) Thực hiện khảo sát xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực;

b) Đàm phán, ký kết hợp đồng khảo sát xây dựng; giám sát, yêu cầu nhà thầu khảo sát xây dựng thực hiện đúng hợp đồng ký kết;

c) Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát do tư vấn thiết kế hoặc do nhà thầu khảo sát lập và giao nhiệm vụ khảo sát cho nhà thầu khảo sát xây dựng;

d) Điều chỉnh nhiệm vụ khảo sát xây dựng theo yêu cầu hợp lý của tư vấn thiết kế xây dựng;

đ) Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng khảo sát xây dựng theo quy định của pháp luật;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:

a) Lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng trong trường hợp không tự thực hiện khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng;

b) Cung cấp cho nhà thầu khảo sát xây dựng thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác khảo sát;

c) Xác định yêu cầu đối với khảo sát xây dựng và bảo đảm điều kiện cho nhà thầu khảo sát xây dựng thực hiện công việc;

d) Thực hiện đúng hợp đồng khảo sát xây dựng đã ký kết;

đ) Tổ chức giám sát công tác khảo sát xây dựng; nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát theo quy định của pháp luật;

e) Bồi thường thiệt hại khi cung cấp thông tin, tài liệu không phù hợp, vi phạm hợp đồng khảo sát xây dựng;

g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.”

Có thể thấy, quyền của chủ đầu tư trong việc khảo sát xây dựng bao gồm: thực hiện khảo sát, xây dựng khi có đủ điều kiện; Đàm phán, ký kết hợp đồng khảo sát xây dựng; giám sát, yêu cầu nhà thầu xây dựng thực hiện đúng theo hợp đồng ký kết; Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật do nhà thầy hoặc tư vấn thiết kế và giao nhiệm vụ khảo sát cho nhà thầu; Điều chỉnh nhiệm vụ khảo sát theo yêu cầu hợp lý; đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng và các quyền khác theo quy định pháp luật

Nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc khảo sát xây dựng bao gồm: lựa chọn nhà thầu khảo sát; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công tác khảo sát; xác định yêu cầu đối với việc khảo sát; thực hiện theo đúng hợp đồng; Tổ chức giám sát xây dựng, nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát; Bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, cung cấp thông tin tài liệu không phù hợp và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

__________________________

  1. Quyền và Nghĩa vụ trong việc thiết kế xây dựng:

Căn cứ theo Điều 85 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về quyền và nghĩa cụ của chủ đầu tư trong việc thiết kế xây dựng như sau:

“1. Chủ đầu tư có các quyền sau:

a) Tự thực hiện thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng;

b) Lựa chọn nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp không tự thực hiện thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

c) Đàm phán, ký kết hợp đồng thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; giám sát và yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết; đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan

d) Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.

2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:

a) Lựa chọn nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng.

b) Xác định nhiệm vụ thiết kế xây dựng;

c) Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

d) Thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết; bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng thiết kế xây dựng đã ký kết;

đ) Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về kết quả công việc do mình thực hiện;

g) Lưu trữ hồ sơ thiết kế xây dựng;

h) Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, quyền của chủ đầu tư trong việc thiết kế xây dựng gồm:tự thực hiện thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; luật chọn nhà thầu; đàm phán, ký kết hợp đồng; đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật và các quyền khác theo quy định pháp luật.

Còn Nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thiết kế xây dựng công trình gồm: lựa chọn nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế cso đủ điều kiện năng lực; xác định nhiệm vụ thiết kế xây dựng; cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu; thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng; thẩm định, phê duyệt thiết kế; chịu trách nhiệm trước pháp luật; lưu trữ hồ sơ thiết kế và các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

__________________________

  1. Quyền và Nghĩa vụ chủ đầu tư trong việc thi công xây dựng công trình:

Căn cứ theo Điều 112 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về quyền và nghĩa cụ của chủ đầu tư trong việc thi công xây dựng công trình như sau:

“1. Chủ đầu tư có các quyền sau:

a) Tự thực hiện thi công xây dựng công trình khi có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình phù hợp hoặc lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng;

b) Đàm phán, ký kết hợp đồng thi công xây dựng; giám sát và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết; xem xét, chấp thuận biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường do nhà thầu trình;

c) Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của pháp luật và của hợp đồng xây dựng;

d) Dừng thi công xây dựng công trình, yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng khắc phục hậu quả khi vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và bảo vệ môi trường;

đ) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp để thực hiện các công việc trong quá trình thi công xây dựng công trình;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:

a) Lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng phù hợp với loại, cấp công trình và công việc thi công xây dựng;

b) Phối hợp, tham gia với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng xây dựng để bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng;

c) Tổ chức giám sát và quản lý chất lượng trong thi công xây dựng phù hợp với hình thức quản lý dự án, hợp đồng xây dựng;

d) Kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường;

đ) Tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình;

e) Thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực hoạt động xây dựng để kiểm định chất lượng công trình khi cần thiết;

g) Xem xét, quyết định các đề xuất liên quan đến thiết kế của nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng;

h) Lưu trữ hồ sơ xây dựng công trình;

i) Chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng do mình cung cấp sử dụng vào công trình;

k) Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và hành vi vi phạm khác do mình gây ra;

l) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Điều luật trên cho ta thấy, quyền của chủ đầu tư trong việc thi công xây dựng công trình gồm: tự thực hiện thi công xây dựng công trình hoặc lựa chọn nhà thầu thi công; đàm phán, ký kết hợp đồng; giám sát và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng theo hợp đồng; xem xét, chấp thuận biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo, vệ sinh môi trường; đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật; dừng thi công xây dựng, yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng khắc phục hậu quả khi có vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp để thực hiện dự án và quyền khác theo quy định pháp luật.

Nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thi công xây dựng công trình gồm: lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện, năng lực; phối hợp, tham gia với Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện bồi thường thiệt hại, giải phòng mặt bằng để bàn giao; tổ chức giám sát và quản lý chất lượng thi công; kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn; vệ sinh môi trường; tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình;  thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực; xem xét, quyểt định các vấn đề liên quan đến thiết kế;  lưu trữ hồ sơ xây dựng công trình; chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và các nghĩa vụ khách theo quy định pháp luật.

__________________________

  1. Trong việc giám sát thi công xây dựng công trình

Căn cứ theo Điều 121 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về quyền và nghĩa cụ của chủ đầu tư trong việc giám sát thi công xây dựng công trình như sau:

“1. Chủ đầu tư có các quyền sau:

a) Tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình khi có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng và tự chịu trách nhiệm về việc giám sát của mình;

b) Đàm phán, ký kết hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình; theo dõi, giám sát và yêu cầu nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết;

c) Thay đổi hoặc yêu cầu tổ chức tư vấn thay đổi người giám sát trong trường hợp người giám sát không thực hiện đúng quy định;

d) Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật;

đ) Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:

a) Lựa chọn tư vấn giám sát có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng để ký kết hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình trong trường hợp không tự thực hiện giám sát thi công xây dựng;

b) Thông báo cho các bên liên quan về quyền và nghĩa vụ của tư vấn giám sát;

c) Xử lý kịp thời những đề xuất của người giám sát;

d) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình;

đ) Lưu trữ kết quả giám sát thi công xây dựng công trình;

e) Bồi thường thiệt hại khi lựa chọn tư vấn giám sát không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng công trình, nghiệm thu khối lượng không đúng, sai thiết kế và các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do mình gây ra;

g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, quyền của chủ đầu tư trong việc giám sát thi công xây dựng công trình gồm: thực hiện giám sát thi công công trình xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực; đàm phán, kí kết hợp đồng giám sát thi công; thay đổi hoặc yêu cầu tổ chức tư vấn thay đổi người giám sát; đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng giám sát thi công khi người giám sát không thực hiện đúng quy định và các quyền khách theo quy định pháp luật.

Nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc giám sát thi công xây dựng công trình gồm: lựa chọn tư vấn giám sát có có đủ điều kiện năng lực; thông báo cho các bên liên quan về quyền và nghĩa vụ của tư vấn giám sát; xử lý kịp thời các đề xuất của người giám sát; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng; lưu trữ kết quả giám sát; bồi thường thiệt hại khi chọn tư vấn không đủ điều kiện năng lực và các nghĩa vụ khác do pháp luật quy định.

Pháp luật quy định các nhóm quyền và nghĩa vụ của Chủ đầu tư được viện dẫn trong bài viết này nhằm bảo đảm hoạt động xây dựng luôn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 4; đồng thời bảo đảm đúng tiến độ, trình tự đầu tư xây dựng, an toàn , bảo vệ môi trường………đối với các dự án xây dựng. Đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư trong hoạt động xây dựng.

_________________________

Tác giả: Trần Xuân Sang

Trên đây là toàn bộ phần trả lời của đội ngũ chuyên viên pháp lý Globalink gửi đến anh. Đội ngũ Globalink hi vọng đã phần nào giúp cho anh giải quyết được vấn đề ban đầu. Trong trường hợp anh/chị hoặc độc giả khác vẫn còn nhiều thắc mắc, xin vui lòng liên hệ đội ngũ luật sư Globalink qua thông tin:

Số điện thoại Hotline: +84 908 173 988

Email: Tienvu.globalinklaw@gmail.com 

Hoặc đến trụ sở Công ty: 67/4 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM để được chúng tôi tư vấn và hướng dẫn cụ thể

Văn phòng giao dịch: 656/47 Cách mạng tháng 8, phường 11, Quận 3, Tp.HCM.