Sập bẫy ‘bánh vẽ’ kiếm tiền online – Bài cuối: Có thể khởi tố hình sự? – Báo Tin tức – Thông Tấn Xã Việt Nam

Phóng sự điều tra với sự đóng góp ý kiến và hỗ trợ của Luật sư Globalink.

Bài 1:

https://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/sap-bay-banh-ve-kiem-tien-online-bai-1-kiem-tien-nhu-dua-mat-tien-cung-nhu-dua-20210420090554076.htm

Bài 2: 

https://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/sap-bay-banh-ve-kiem-tien-online-bai-2-chung-kien-hau-qua-van-bat-chap-vi-tham-20210420091747004.htm

Bài 3:

https://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/sap-bay-banh-ve-kiem-tien-online-bai-cuoi-co-the-khoi-to-hinh-su-20210420092432716.htm

Trao đổi về vấn đề xuất hiện hàng loạt các trang web chiêu dụ người chơi kiếm tiền online bằng hình thức hưởng tiền chiết khấu cao hơn lãi suất ngân hàng, LS Vũ Quyết Tiến – Công ty Luật Globalink Law Firm, cho biết, đây là hình thức có dấu hiệu lừa đảo, có thể khởi tố hình sự.

Có thể phạt tù chung thân

Theo LS Vũ Quyết Tiến, hoạt động của ứng dụng ShopPing hay PChome, Rich, 1645top, Part time, Coolcat… là hoạt động theo phương thức đa cấp được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP , ngày 12/3/2018. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh đa cấp chỉ áp dụng với hàng hóa, với những hành vi khác sẽ bị cấm theo quy định tại Điều 5-NĐ40.

Cụ thể, những hành vi bị cấm tại Điều 5 là: Phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác…

Ngoài ra, người tham gia đa cấp cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia… cũng là hành vi phạm pháp.

Theo đó, hành vi của các trang web trên đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật như yêu cầu người khác đặt cọc, nộp tiền, nhận được tiền khi giới thiệu thành viên mới… Bên cạnh đó, với số tiền thiệt hại rất lớn có thể thấy đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng cần ngăn chặn và xử lý. Căn cứ vào các hoạt động, hành vi của ứng dụng ShopPing, Pchome, Coolcat cùng các nhân viên, cộng tác viên thì vụ việc trên đã có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 với khung cao nhất của hình phạt này là tù chung thân nếu chiếm đoạt giá trị trên 500 triệu đồng.

Người dân cần cảnh giác 

Theo Luật sư Vũ Quyết Tiến, thủ đoạn của các đối tượng này theo “bình mới rượu cũ”, ngắm vào sự nhẹ dạ cả tin của người dân, sử dụng tiền của người cũ để trả cho người mới gia nhập, kinh doanh theo phương thức đa cấp. Những người cũ sau khi nhận được một khoản lợi ích sẽ lôi kéo thêm người mới để tăng doanh thu. Các máy chủ trang web này thường đặt tại nước ngoài, do một nhóm đối tượng tội phạm nước ngoài cầm đầu và tuyển dụng các nhân viên tại nước sở tại để giúp sức.

Do đó, để tránh người dân tiếp tục rơi vào bẫy, giải pháp tốt nhất là nâng cao mức độ cảnh giác, kiến thức cho người dân để không tham gia các mô hình kinh doanh “có cánh”. Thông thường, các mô hình kiếm tiền như vậy, khi xảy ra hậu quả, cơ quan nhà nước mới bắt đầu tiến hành ngăn chặn, xử lý. Do đó, những cá nhân nào đã tham gia cần phải làm đơn tố cáo hoặc trình báo cơ quan CSĐT để các cơ quan tiến hành tố tụng xác minh làm rõ, xử lý hành vi của các đối tượng này; không tiếp tục chuyển tiền hoặc bất cứ tài sản nào khác cho các đối tượng này.

Người dân cũng cần cảnh giác với các loại mô hình kinh doanh đa cấp như kiểu như vậy, không nên đưa tiền cho bất cứ ai nếu không biết họ làm gì với số tiền của mình; tố cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng để sớm ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật này.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tuyên truyền trên nhiều phương tiện truyền thông để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân đối với các loại tội phạm công nghệ cao, hoặc các hoạt động kinh doanh mờ ám; xử lý nghiêm các đơn vị cho phép tổ chức hội họp mà chưa đăng ký với Sở Công thương.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cần ngăn chặn các hoạt động chuyển tiền thanh toán, rửa tiền khi phát hiện dấu hiệu khả nghi; ngăn chặn các hoạt động thanh toán qua cổng thanh toán quốc tế…; đồng thời các cơ quan công an cần tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền đến từng tổ dân phố và từng người dân về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ cao. Phối hợp với các lực lượng cảnh sát quốc gia khác truy vết, bắt và xử lý các đối tượng cầm đầu.

____________________________________
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Globalink Law Firm