( CLO) Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, các doanh nghiệp thường thực hiện nhương quyền thương mại theo cách thức… “mì ăn liền”. Điều này khiến cho các bên được nhượng quyền không được hỗ trợ liên tục để phát triển, dẫn đến việc nhượng quyền thương mại của doanh nghiệp Việt chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Do đó, các doanh nghiệp cần xem xét thay đổi cách thức làm ăn để phát triển hơn nữa.
Cách thức nhượng quyền mang tính… “mì ăn liền”
Ngày 5/12, tại TPHCM, Tiến sĩ – Luật sư Bùi Quang Tín cùng với Thạc sĩ – Luật sư Vũ Quyết Tiến đã có buổi gặp gỡ báo chí, để chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến việc nhượng quyền thương mại, cũng như luật an ninh mạng.
Trong buổi gặp gỡ, TS, LS Bùi Quang Tín (Giám đốc Trường Doanh nhân Biglight) cho biết, theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2017, có tới 183 thương hiệu nước ngoài đăng ký nhượng quyền tại Việt Nam. Đáng chú ý, đến thời điểm này, con số đó đã lên tới 213 và chủ yếu đến từ các doanh nghiệp ở các nước Mỹ, Úc, Hàn Quốc, EU.
Theo Luật sư Tín, hình thức kinh doanh nhượng quyền đã có mặt tại Việt Nam từ trước năm 1975 thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ như: Mobil, Exxon, Shell. Đáng chú ý, đến năm 1996, khi nước ta thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, tốc độ phát triển trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại tăng lên đáng kể, trung bình tốc độ tăng trưởng ở mức 15-20%/năm. Tuy nhiên, bên nhượng quyền chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, dù có lợi thế sân nhà nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa đẩy mạnh được việc nhượng quyền thương hiệu.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc nhượng quyền thương hiệu chưa được doanh nghiệp trong nước “ưu ái”, Luật sư Tín cho rằng, đa số các doanh nghiệp Việt khi tiến hành nhượng quyền đều thực hiện theo cách thức… “mì ăn liền”. Nói như thế có nghĩa là các doanh nghiệp chỉ chú tâm ký kết nhượng quyền để thu về lợi nhuận rồi lại “bỏ rơi”, không hỗ trợ bên được nhận quyền để cùng phát triển thương hiệu, xây dựng chuỗi doanh nghiệp vững mạnh. Hay nói khác hơn, nhượng quyền thương mại theo kiểu “mì ăn liền” có thể kìm hãm sự phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp.
“Cách thức làm ăn của doanh nghiệp Việt mang tính “mì ăn liền”, chỉ cần ký kết hợp đồng để thu được lợi nhuận rồi thôi, chứ không hỗ trợ xuyên suốt cho bên được nhượng quyền để cùng “nắm tay nhau” đi lên. Điều này, khiến cho những doanh nghiệp muốn được nhượng quyền trở nên e ngại, chưa dám đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại. Mặt khác, doanh nghiệp trong nước còn có tính trọng “chữa bệnh” hơn “chữa bệnh”, có nghĩa khi xảy ra trục trặc về pháp lý thì mới “chạy đôn chạy đáo” tìm luật sư để “gỡ rối” chứ không mời luật sư tư vấn pháp luật trước khi thực hiện các chiến lược kinh doanh. Đây cũng là một “trở lực” dẫn đến việc doanh nghiệp lúng túng trong nhượng quyền thương mại”, Luật sư Bùi Quang Tín nói.
Cần đẩy mạnh hỗ trợ sau ký kết nhượng quyền
Nói về giải pháp “cởi trói”, thúc đẩy sự tăng trưởng của việc nhượng quyền thương mại, Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng, để việc nhượng quyền được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao thì trước hết, những doanh nghiệp có khu cầu nhượng quyền cần phải có mô hình kinh doanh khả thi, hiệu quả. Chưa hết, khi chọn đơn vị để nhượng quyền cho họ, các doanh nghiệp cũng cần xem xét lĩnh vực kinh doanh của mình có phù hợp với thị hiếu và xu hướng kinh doanh của họ hay không. Quan trọng nhất, muốn nhượng quyền thì “năng lực” của bên nhượng quyền phải mạnh cả về tài chính, lẫn mô hình, chiến lược kinh doanh
Cũng liên quan đến giải pháp thúc đẩy sự phát triển của việc nhượng quyền thương mại, Luật sư Quyết Tiến (Giám đốc điều hành Globalink Law Firm) “mách nước” rằng, các doanh nghiệp cần có cách xử lý khéo léo để xử lý các sự cố xảy ra. Cụ thể, khi xảy ra tranh chấp thì doanh nghiệp cần có đội ngũ luật sư đánh giá, xem xét hay không. Trường hợp cảm thấy thương lượng được thì nên đàm phán và thương lượng để giải quyết tranh chấp. Bởi vì các doanh nghiệp đưa nhau ra tòa thì sẽ tốn cả kinh phí lẫn thời gian.
“Có lần tôi đến Singapore chứng kiến việc một doanh nghiệp dù mắc lỗi nhỏ, nhưng lại không khéo léo xử lý dẫn đến việc thông tin không hay bị lan truyền, rồi thương hiệu đó cũng bị đánh sập. Còn ở Mỹ, có lần tôi ăn bánh Piza tại một nhà hàng, dù chiếc bánh chỉ thiếu một miếng phô mai ở giữa nhưng người quản lý nhanh chóng đến xin lỗi và miễn phí chiếc bánh đó cho tôi, đồng thời làm lại một chiếc bánh khác để bán cho tôi. Hiển nhiên, khi ấy mọi việc sẽ trở nên dễ dàng vô cùng, tôi không làm khó gì cho nhà hàng đó. Tôi ví dụ như thế để thấy rằng, việc lựa chọn biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố là một điều rất quan trọng”, Luật sư Tiến chia sẽ về kinh nghiệm xử lý sự cố của doanh nghiệp.
link tham khảo – https://congluan.vn/thay-doi-tu-duy-nhuong-quyen-thuong-mai-theo-kieu-mi-an-lien-tai-sao-khong-post52203.html