Theo quy định Pháp luật về nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở (bất động sản) là kể từ bên mua đã thanh toán đủ tiền mua và được nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên trên thực tế giao dịch hiện nay tại thị trường Việt Nam đối với nhà nhà ở trong dân, các bên tham gia mua bán chỉ cần ký xong Hợp đồng mua bán nhà ở và được công chứng viên xác nhận là đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng bộ cập nhật thay đổi nội dung chủ sở hữu nhà ở.
Các biểu mẫu Hợp đồng mua bán nhà ở (bất động sản) của các phòng công chứng hầu như không đề cập đến các phương án thanh toán mà chỉ để chung chung do các bên tự thoả thuận hoặc thiếu các nội dung chi tiết trong giao dịch; Còn đối với cơ quan nhà nước khi cập nhật thông tin chủ sở hữu mới vào sổ hồng chỉ yêu cầu Hợp đồng công chứng mà không yêu cầu các văn bản, tài liệu đã thanh toán đủ tiền mua nhà hoặc biên bản bàn giao nhà giữa các bên.
Điều này dẫn đến các bất cập và lỗ hổng của pháp luật đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để hoàn thiện hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và nhà khi chưa đủ điều kiện chuyển quyền sở hữu nhà theo luật định, sau đó bán cho người khác . Đơn cử vụ án mua bán nhà 34 tỷ không trả tiền mà còn lừa người khác theo Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin (tại đường link https://plo.vn/phap-luat/mua-nha-34-ti-khong-tra-tien-con-lua-nguoi-khac-886163.html)
Như vậy, chúng ta cần phải thận trọng trong giao dịch mua bán nhà ở với giá trị lớn nếu không sẽ dễ dàng mất tài sản vào tay của những kẻ có ý đồ xấu. Để bảo đảm cho các giao dịch nhà ở (bất động sản) thành công, chúng ta có thể nhờ các đơn vị tư vấn, thực hiện thủ tục mua bán theo phương án, kế hoạch chặt chẽ để bảo đảm tuân thủ pháp luật và an toàn cho tài sản giao dịch.
____________________________________________
Căn cứ pháp lý Điều 12 – Luật Nhà Ở 2014
Điều 12. Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở
1. Trường hợp mua bán nhà ở mà không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều này và trường hợp thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu là kể từ thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở.
3. Trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở với người mua thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua nhận bàn giao nhà ở hoặc kể từ thời điểm bên mua thanh toán đủ tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư. Đối với nhà ở thương mại mua của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì thời điểm chuyển quyền sở hữu được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
4. Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.
5. Các giao dịch về nhà ở quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này phải tuân thủ các điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật này.
_______________________________________
Globalink Law Firm – Legal Team