Sau khi ký hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, chủ nhà cho biết không hề nhận được thông báo đóng lãi. Gần hết hạn hợp đồng thế chấp, bỗng dưng chủ nhà nhận được bản hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá chính căn nhà của mình nên tá hỏa. Khuất tất nào khiến chủ nhà bỗng dưng lâm vào nguy cơ mất nhà và tài sản?
Nguy cơ mất tài sản vô lý
Vừa qua, báo CL&XH nhận được đơn thư cầu cứu của anh Trần Văn Tân (SN 1971, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM). Nội dung đơn thư anh Tân bức xúc cho rằng mình chỉ thế chấp tài sản để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng hợp đồng vay chưa hết hạn thì tài sản của anh đã bị ngân hàng bán cho người khác. Sự việc này đẩy anh vào nguy cơ mất tài sản một cách vô lý.
Anh Tân cho biết, anh và ông Hà Anh Tuấn (ngụ phường 17, quận Gò Vấp) có quan hệ làm ăn với nhau và anh Tân có vay tiền của ông Tuấn. “Do ông Tuấn yêu cầu tôi trả nợ nên bày cho tôi thế chấp sổ đỏ thửa đất 488, có căn nhà số 804/5 Lê Trọng Tấn (khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM). Ông Tuấn kêu tôi thế chấp thửa đất và tài sản đó cho Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh quận Gò Vấp (số 91 Nguyễn Thái Sơn, phường 4, quận Gò Vấp) vì ổng có quen”.
“Sau đó, ông Tuấn giới thiệu Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vạn Phúc Lộc (số 60/675A Nguyễn Oanh, phường 6, quận Gò Vấp) sẽ ký “hợp đồng tín dụng” với Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp, với điều kiện tài sản thế chấp vay là tài sản trên của tôi. Tiếp đó, ngày 16/1/2012 Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vạn Phúc Lộc, đại diện pháp luật là ông Phạm Tuấn Anh, ký kết “Hợp đồng tín dụng” với Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp, với hạn mức tín dụng 2,1 tỉ đồng”, anh Tân cho biết thêm.
Cũng theo anh Tân, cùng ngày, Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp yêu cầu anh Tân, Công ty Vạn Phúc Lộc cùng ký một bản hợp đồng 3 bên với nội dung là “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ 3”. Trong đó quy định, anh Tân dùng tài sản là nhà và quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 7261/98 do UBND TP.HCM cấp ngày 9/6/1998, thửa đất 488) tại địa chỉ 804/5 Lê Trọng Tấn, khu phố 1, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP. HCM. Điều này thể hiện việc anh Tân bảo đảm nghĩa vụ trả nợ thay Công ty Vạn Phúc Lộc khi công ty này không trả được khoản nợ vay theo hợp đồng. Cả 2 hợp đồng trên có thời hạn từ ngày 16/1/2012 đến ngày 16/1/2017.
Tuy vậy, theo anh Tân, từ sau khi có 2 bản hợp đồng trên anh không hề cầm bất cứ bản hợp đồng chính nào. Đồng thời, trong thời gian suốt 5 năm kỳ hạn vay nợ, anh Tân cho biết không nhận được bất cứ giấy tờ thông báo nào về việc đóng lãi của Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp. “Tôi thấy lạ nên hỏi ông Tuấn thì ổng bảo vay 2,1 tỉ, khi trả cứ mang 2,4 tỉ đến trả là được, nên tôi đinh ninh không phải đóng lãi gì. Tháng 4/2017, tôi bất ngờ phát hiện căn nhà 804/5 Lê Trọng Tấn của tôi bị Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp bán cho người khác là Nguyễn Anh Triều (SN 1993, địa chỉ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vào ngày 6/1/2017. Điều đặc biệt là công ty đấu giá lại là đơn vị gửi “hợp đồng mua bán tàn sản bán đấu giá” đến địa chỉ trên cho tôi, trong khi trước đó tôi chưa hề nhận bất cứ thông báo nào”, anh Tân Bức xúc.
Và nếu điều bức xúc của anh Tân là đúng với sự thật- tức Ngân hàng TMCP Đông Á- Chi nhánh Gò Vấp chưa từng có một động thái thông báo về tình trạng nợ thông qua các hợp đồng nêu trên thì rỏ ràng việc tiến hành “đơn phương” tổ chức bán đấu giá tài sản của anh Tân là không thỏa đáng.
Bán nhà và tài sản không cần thông báo?
Cũng theo anh Tân, từ ngày biết căn nhà của mình thế chấp bị bán cho người khác, gia đình anh ăn ngủ không yên. Anh Tân cho biết: “Khi biết sự việc tôi quay qua hỏi ông Hà Anh Tuấn thì ông này kêu hỏi Ngân hàng Đông Á – chi nhánh Gò Vấp. Tôi lên hỏi ngân hàng thì ngân hàng kêu đã làm hợp đồng cọc với ông Triều với giá bán 3,615 tỉ đồng, cọc trước 10% tức, nếu tôi muốn chuộc lại thì phải bỏ thêm ra cho người ta có lời. Tôi chấp nhận mang lên 400 triệu chuộc lại tài sản đã là xuống nước lắm nhưng ngân hàng lại kêu ông Triều không chịu cho chuộc lại”.
Nhiều ngày mày mò tìm hiểu thông tin, anh Tân bắt đầu đặt ra những câu hỏi liên quan đến những bất thường trong cách xử lý của Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp. Anh Tân thắc mắc không hiểu sao anh không hề được thông báo đóng lãi hay bất cứ giấy tờ gì trước đó, trong khi anh là người thế chấp tài sản của chính mình. Anh Tân cũng không ủy quyền cho bất cứ ai thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản tại thửa đất 488, số 804/5 Lê Trọng Tấn. “Vậy, Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp có cố tình làm trái pháp luật bán nhà của tôi hay trong sự việc có kẻ giả mạo hồ sơ, chữ ký nào đó mà tôi không hay biết?”, anh Tân bức xúc.
Ngoài ra, anh Tân còn bức xúc về việc giá trị thực của căn nhà trên lớn hơn nhiều so với giá bán đấu giá của ngân hàng. Anh Tân cho biết: “Trên thửa đất có căn nhà và 20 phòng trọ thu nhập gần 40 triệu/tháng. Với giá trị hiện tại nó phải nằm tầm 6 tỉ đồng. Vậy mà công ty đấu giá đưa ra giá khởi điểm là hơn 3,6 tỉ đồng, trong khi đó người mua được tài sản lại chỉ với giá 3,615 tỉ đồng. Người mua được tài sản còn quá trẻ tuổi và có địa chỉ ở tận vùng xa xôi của Quảng Nam khiến tôi không khỏi nghi ngờ. Hơn nữa, nếu có thông báo của ngân hàng về việc sai phạm của tôi, tôi sẵn sàng vay nóng hoặc thỏa thuận với người khác để thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng thay vì để mất tài sản lớn như vậy”.
Giới chuyên gia nhận định sự việc gần như rõ ràng và khiếu nại của ông Tân là hoàn toàn có cơ sở. Trong đó, giả sử trường hợp ông Tân có ủy quyền hoặc ủy quyền thực hiện giao dịch liên quan thửa đất 488 bị làm giả thì trước khi bán tài sản thế chấp còn mang tên ông Tân, phía ngân hàng phải thông báo cho ông Tân biết. Đằng này ngân hàng thực hiện việc bán tài sản còn mang tên ông Tân mà chưa được sự thỏa thuận đồng ý của ông Tân thì sang tên sổ đất thực hiện kiểu nào được?
Xét trên khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Vũ, Công ty luật TNHH Đại Việt nhận định: “Trong hợp đồng tín dụng số H.0716/1N của Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp, không có nội dung về điều kiện vay, phương thức cho vay, không quy định thời hạn cho vay, lãi suất cho vay cũng quy định không rõ ràng, nên cho thấy hợp đồng tín dụng số H.0761/1N của NH Đông Á đã vi phạm pháp luật về hình thức hợp đồng tín dụng căn cứ Điều 17 quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN”.
Cũng theo luật sư Vũ, theo điểm 6.2 Điều 6 hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba, số H.0334/TCBL ngày 16/1/2012, có quy định thoả thuận giữa các bên về việc xử lý tài sản thế chấp theo các phương thức như: hai bên cùng phối hợp để bán TSTC, hoặc bên B (ông Tân) giao/uỷ quyền cho bên A (Ngân hàng Đông Á) hoặc bên khác bán TSTC hoặc bên B trực tiếp bán TSTC sau khi có sự chấp thuận của bên A bằng văn bản hoặc bán TSTC thông qua tổ chức bán đấu giá.
“Như vậy cho thấy ông Tân và Ngân hàng Đông Á – chi nhánh Gò Vấp đã có thoả thuận về việc xử lý tài sản thế chấp, nhưng Ngân hàng Đông Á – chi nhánh Gò Vấp vẫn cố ý không thực hiện, Ngân hàng Đông Á – chi nhánh Gò Vấp đã vi phạm hợp đồng làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Văn Tân”, luật sư Vũ cho biết thêm.
Liên quan đến vụ việc, PV liên hệ với Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh Gò Vấp thì đại diện đơn vị này kêu lãnh đạo đi công tác và yêu cầu gửi công văn trả lời sau.
______________________________________________
Link tham khảo:
https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/tphcm-bong-dung-bi-day-vao-nguy-co-mat-nha-va-tai-san-2484.html