Luật Phá sản – số: 51/2014/QH13 ngày 19/06/2014 quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin, quy định về Điều kiện và trình tự mở thủ tục phá sản.
Theo quy định tại Điều 2 Khoản 4 Luật phá sản 2014, Phá sản được hiểu là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Và theo quy định của Điều 214 Luật doanh nghiệp 2020, việc phá sản phải tuân theo các quy định trong Luật phá sản 2014. Trong những năm gần đây có nhiều trường hợp các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ nên dẫn đến mở các thủ tục phá sản hoặc bị yêu cầu mở thủ tục phá sản để giải quyết tài sản và các khoản công nợ, nghĩa vụ thuế………
Điều kiện tiên quyết để mở thủ tục phá sản hoặc bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Căn cứ theo Luật phá sản 2014, trình tự thủ tục phá sản được thực hiện như sau:
________________________________________________________________
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Đơn cử loại đơn của chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm nội dung:
a. Ngày, tháng, năm;
b.Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
c.Tên, địa chỉ của người làm đơn;
d.Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;
e.Khoản nợ đến hạn.
f.Kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh khoản nợ đến hạn.
Trường hợp có đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Phương thức nộp đơn:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân
+ Gửi bưu điện đến Tòa án nhân dân.
Ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi. (Điều 30 Luật phá sản 2014)
Các tòa có thẩm quyền nhận đơn:
– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
– Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó.
Bước 3: Tòa án nhận đơn và thụ lý đơn
– Tòa án nhận đơn yêu cầu và thụ lý yêu cầu phá sản đối với doanh nghiệp nếu hồ sơ hợp lệ. Sau khi nhận đơn yêu cầu, Tòa án sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và tiến hành thông báo cho người yêu cầu nộp tiền lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản; hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ; hoặc chuyển đơn đến tòa án khác có thẩm quyền; hoặc trả lại đơn. (Điều 32 Luật Phá sản 2014)
– Tòa án thụ lý đơn Tòa án nhân dân thụ lý đơn sau khi nhận lệ phí và tạm ứng chi phí phá sản.
Bước 4: Mở thủ tục phá sản
– Tòa án nhân dân ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và gửi quyết định cho các bên liên quan. Trong quá trình đó, Tòa án sẽ tiến hành các biện pháp nhằm bảo toàn tài sản doanh nghiệp. (Điều 42 Luật Phá sản 2014)
– Người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Bước 5: Hội nghị chủ nợ
– Tòa án tiến hành triệu tập hội nghị chủ nợ trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản hoặc ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ tùy điều kiện nào đến sau.
– Hội nghị chủ nợ chỉ được tiến hành khi có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phân công giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải tham gia Hội nghị chủ nợ. Trường hợp không đáp ứng điều kiện hợp lệ, Tòa án triệu tập Hội nghị chủ nợ lần 2.
– Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra nghị quyết đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; hoặc đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh; hoặc đề nghị tuyên bố phả sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bước 6: Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi:
+Hội nghị chủ nợ triệu tập lần 2 nhưng không đủ điều kiện tiến hành hoặc hội nghị chủ nợ không thể thông qua nghị quyết: trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp hội nghị chủ nợ.
+Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết trong đó đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp: trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết của hội nghị chủ nợ.
(Điều 106, Điều 107 Luật Phá sản 2014)
Bước 7: Thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phán sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm ra quyết định thi hành và phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
___________________________
Tác giả: Trần Nguyên Hạnh
SĐT: 0366916433
Trên đây là toàn bộ phần trả lời của đội ngũ chuyên viên pháp lý Globalink liên quan đến điều kiện và trình tự mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Đội ngũ Globalink hi vọng đã phần nào giúp cho anh/chị giải quyết được vấn đề ban đầu. Trong trường hợp anh/chị hoặc độc giả khác vẫn còn nhiều thắc mắc, xin vui lòng liên hệ đội ngũ luật sư Globalink qua thông tin:
Số điện thoại Hotline: +84 908 173 988
Email: Tienvu.globalinklaw@gmail.com
Hoặc đến trụ sở Công ty: 67/4 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM để được chúng tôi tư vấn và hướng dẫn cụ thể
Văn phòng giao dịch: 656/47 Cách mạng tháng 8, phường 11, Quận 3, Tp.HCM.